Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nối TP HCM với Nha Trang, thông xe sáng 26/4, giúp hành trình chặng này còn 4-5 giờ, giảm gần nửa thời gian so với đi quốc lộ 1.
Từ 7h, nhiều ôtô, xe tải chạy từ hướng TP HCM ra trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, đến nút giao Vĩnh Hảo (Tuy Phong), thay vì rẽ phải ra quốc lộ 1, đã chạy thẳng vào đầu cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tại điểm đầu ở hướng nam, chủ đầu tư dự án bố trí nhân viên hướng dẫn phân luồng cho đoàn xe chạy vào cao tốc.
Anh Tạ Ngọc Trí, chạy xe tải chở hàng từ Đồng Nai ra Bình Định, nói rất cảm xúc khi được đi trên tuyến ở thời điểm đầu tiên thông xe. "Chạy thông suốt một mạch trên cao tốc rất thuận lợi, giảm thời gian và chi phí nhiên liệu", anh Trí chia sẻ.
Các xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ, máy kéo, môtô, xe gắn máy... không được chạy vào. Phương tiện đi trên cao tốc được miễn phí dịch vụ dịp lễ từ 26/4 đến 1/5; việc thu phí bắt đầu từ 0h ngày 2/5. Hiện, chủ đầu tư chưa công bố mức phí trên tuyến.
Chủ đầu tư cho biết lễ khánh thành dự án được tổ chức tại khu vực cửa bắc Hầm Núi Vung tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, chiều 28/4. Hiện các địa phương cao tốc đi qua được đề nghị bố trí nhân sự phối hợp ban quản lý dự án hướng dẫn giao thông, giám sát, xử lý sự cố...
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km, nền đường rộng 17 m với 4 làn xe không làn dừng khẩn cấp mà có các điểm dừng khẩn cấp cách nhau 4-5 km; vận tốc tối đa 90 km/h. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công ty (PPP) do liên danh Tập đoàn Đèo Cả , Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194, với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng.
Tuyến đi qua ba tỉnh: Khánh Hoà (5 km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12 km), nằm giữa hai tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Trên tuyến có 34 cầu, gồm: 22 cầu trên cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và một cầu kết nối cao tốc với quốc lộ 1; cùng với hầm xuyên Núi Vung dài 2,25 km.
Đây cũng là đoạn cao tốc cuối cùng nối Sài Gòn với Nha Trang, cùng với 4 đoạn cao tốc đã hoàn thành trước đó, gồm: TP HCM - Long Thành – Dầu giây, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Cam Lâm – Nha Trang. Sau khi thông suốt, tuyến giúp rút ngắn thời gian từ Sài Gòn ra Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi trên quốc lộ 1.
Dọc tuyến đã gắn hệ thống giám sát thông minh ITS với camera sử dụng công nghệ AI, có khả năng phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện và cảnh báo sự cố và vi phạm giao thông.
Hôm qua, chủ đầu tư cũng đã làm xong hai trạm dừng nghỉ tạm tại nút giao tỉnh lộ 709 tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách của người đi đường dịp lễ 30/4, trong khi chờ trạm dừng chân chính thức.
Tổng hợp từ VN Express